Giọt Mưa Thanh Tú

Không ai nhìn thấy Giọt mưa cả. Nếu có thấy thì chỉ là thấy chuyển động mờ ảo của nàng trong không khí, hoặc khi nàng đã đờ đẫn chết trên một mặt gương. Có khi nàng biến mất vào lòng một con suối, hay một mặt hồ, mặt biển nào đó. Có khi xác nàng lại in một vết đen mờ rồi lại nhanh chóng phai đi.

Cuộc đời của một giọt mưa rất ngắn ngủi. Đấy là nàng nghĩ vậy, vì cho dù có cố gắng cách mấy nàng vẫn không in được hình bóng mình lên đôi mắt ai. Như thế thì làm sao nàng có thể kể những câu chuyện nàng thấy được trên đường mình đi? Hay là chuyện gia đình nàng có bao nhiêu anh chị em, tụ họp ra sao, chia cắt như thế nào? Rồi chuyện những lúc nàng chuyển mình trở thành bông tuyết trắng. Đó có phải là cánh áo đẹp hay không, hay chỉ là một cái chết khác đẹp đẽ hơn trong mắt kẻ chiêm ngưỡng hời hợt? Những nỗi lòng như thế, một triệu một triệu âm thanh lặng lẽ, lần lượt biến mất vì không có người níu giữ.

ghi chú số 5

Có 1 chàng thỏ yêu 1 nàng cáo. Ngày thỏ đến tỏ tình, cáo bảo, ko thể đc, cáo là loài ăn thịt, ở gần nhau, cáo sẽ có ngày muốn nhai xương thỏ! Thỏ bảo ko sao, được người yêu nhai xương là anh chết trong sung sướng rồi!! Thế là cáo chấp thuận trở thành người yêu của thỏ. Hằng ngày, thỏ cùng cáo đi săn, còn cáo cùng thỏ đào cà rốt. Thỏ và cáo cùng nghĩ, 2 đứa điên tụi mình thật đáng ngưỡng mộ!! Nhưng thật ra tụi nó cũng ko cãi được Đác-uyn, à bản năng. Cáo vốn ranh mãnh, nên thỏ nhiều phen khốn đốn. Thỏ vốn hiền lành, nên cáo nhiều phen chán nản.

Một ngày nọ, chúng nó cãi nhau tơi bời vì chuyện gì đó quên mẹ rồi. Mà chung quy là rốt cuộc là chúng nó nhận ra hai chúng nó, một đứa thích cà rốt, một đứa thích thịt rừng. Cáo ở lâu với thỏ, nhiễm tính hiền lành, nên nhường thỏ, thôi thì giảm khẩu phần thịt rừng vậy… Còn thỏ thì sao? Thỏ ở lâu với cáo, nhiễm tính ranh mãnh, lại nhiễm cả thói quen ăn thịt, nên một ngày nọ, thỏ đến gặp cáo, hát cho cáo nghe một bài rồi moi tim cáo ra ăn. Lông cáo đã chuyển từ nâu sang trắng từ lúc nào. Chân thỏ đã dài ra và có móng sắc từ lúc nào.

Mất tim, cáo lang thang trong rừng ngày này qua ngày nọ. Lúc sắp chết vì kiệt sức, cáo gặp một người thợ săn. Ông thợ săn thấy một con cáo chưa bị bắn đã gục ngay dưới chân mình, nên ông đem nó về, băng bó vết thương, truyền máu và nuôi cáo trong nhà trong khi đợi cho tim cáo mọc lại. Cáo vô cùng cảm kích, nên chủ động thân thiện với bầy chó của người thợ săn. Trong số đấy, cô khoái nhất một con chó cái già hay trò chuyện và nhường đồ ăn cho cáo. Một ngày trời đẹp khi rủ cô chó ra ngoài phơi nắng, cáo phát hiện đằng sau cẳng chân cô chó có một túm lông hình ngọn gió – giống i chang vết của cáo… Túm lông màu vàng đồng không đổi màu nổi lên trên nền lông trắng. Thì ra họ là mẹ con.

II

Tôi lại nghĩ đến cái chết của mình.

Không phải vì tôi không muốn sống nữa, mà tôi không muốn sống như thế này nữa. Tôi muốn cuộc đời này chết đi, mãi mãi vô danh, còn tôi sẽ hồi sinh và sống theo cách khác.

Tôi nhớ đến ba mẹ tôi lúc họ còn trẻ, thời họ mới bống bế tôi trên tay, không biết họ đã hình dung như thế nào về cuộc sống hiện giờ. Khoa học phát triển thật nhanh so với một đời người, phải không? À, có cái nhanh, có cái thì chậm, có cái hình như vẫn vậy. Hình như đó mới là luật lệ của cuộc sống, rằng mỗi thứ có thời gian phát triển khác nhau.

Thời điểm chết đi của tôi đã đến. Không phải vì tôi không muốn sống nữa. À ừ, lúc nãy tôi đã bảo rồi đấy. Mà là tôi không muốn sống như thế này nữa. Tôi nhìn thấy một cô gái và những bản vẽ của cô ta, tôi tự hỏi vì sao mình cứ mãi ghen tị với người khác, tại sao mình cứ mãi nghĩ mình không quan trọng? Chỉ có cách tìm đến cái chết của chính mình, tôi mới có thể giải đáp mình quan trọng ở chỗ nào?

Nhức đầu quá, có phải không? Hôm qua tôi đã uống cà phê tầm giờ này.

Không có gì quan trọng cả, đến cả tâm tư còn bị đánh cắp, như là tâm tư từ hư vô. Nghĩa là tôi không tồn tại trong lương tâm kẻ cắp ấy.

Không quan trọng nữa rồi, tôi phải giết chết mình. Bằng cách nào? Cái gì sẽ phải chết trước tiên? Có một dòng thác lấp lánh như tráng bạc. Tôi thấy bóng mình nhỏ bé và xấu xí. Không, tôi thấy hình hài mình nhỏ bé và xấu xí. Định nghĩa xem. Tôi nghĩ mình cao lớn và bề thế hơn. Như một ngọn cỏ mọc ở bờ kè đung đưa dưới mùa hè chói chang. Một ngọn cỏ trong một đám cỏ um tùm che hết lối đi giữa hai căn nhà. Dưới đường. Kêu lạo xạo dưới bước chân người. Dưới cánh tay. Dưới bánh xe đạp. Tôi hình dung tôi với mắt mũi miệng không tả tơi như thế này. Tại sao? Tôi đã tự hứa chỉ suy nghĩ những mây hồng và ngọn gió. Tôi đã hứa đôi mắt mình chỉ nhìn ra ánh sáng dù cho lập loè. Những thứ xấu xa? Những thứ như thế nào là xấu xa? Có lẽ những cơn gió cũng… Cái gì sẽ ra đi trước? Tôi nhớ một cảnh mặt trời lặn trên đường quốc lộ chúng tôi phóng xe máy từ Đà Lạt về. Ký ức cần ra đi trước tiên. Và một cảnh trăng mọc phía trước mặt to và sáng trưng kỳ lạ như trong Final Fantasy. Đằng sau rặng mây óng ánh. Có nên không? Nên giữ lại làm bài học! Ừ, một buổi chiều mắc mưa. Từng giọt thấm qua lớp thảm dày trên đầu. Những tấm khiên chắc chắn. Bảo vệ khỏi cái gì? Không còn hiện tại thì có nên bên nhau? Không thể! Nặng nề thêm, thôi hãy bỏ xuống. Cũng đúng… Mà khoan, ký ức? Bộ giáp này, nó dính vào da thịt mất rồi. Không được, dù thế nào cũng phải gỡ ra thôi! Nhưng đau đớn lắm. Sẽ lành lại thôi, sau khi chết đi, nhớ không, chết đi rồi, sẽ tái sinh với da thịt mới. Phải cắt đứt từng miếng ư? Những con đường, những khuôn mặt, nước mưa, sấm chớp, mây mù, khói thuốc, bánh xe, hơi thở, trái táo, bài hát, bàn tay, màn đêm, ly nước, gia đình, buổi sáng? Đúng vậy, phải đào tận gốc, đến tận nơi đau đớn nhất, phải đào và xới lên từng sợi rễ còn bám lại. Không… Bước chân lên một bước đi nào, và ngẩng lên nhìn mặt trăng đi, rồi thấy con đường chứ? Có, sáng lờ mờ, hai bên tối đen, không nhìn rõ là nhà hay là ụ đất… nhưng con đường thì sáng. Đúng vậy. Tôi muốn vào một ngôi nhà đang thắp sáng đèn kia, tôi cảm thấy cô đơn dưới ánh trăng lạnh lẽo. Đợi một chút. Vẫn đang cắt bỏ bộ giáp cơ mà? Ừ nhỉ, tôi không còn thấy đau đớn nhiều nữa. Tôi đã đến gần cái chết chưa? Tôi sợ hãi.

Im lặng nào.

Tôi nghe thấy tiếng gì đó mạnh mẽ

và vội vã

. Hãy đi tiếp đi, và lắng nghe thêm.

Tôi nghe tiếng gió lùa vào thân cây, lọc cọc. Mùa xuân chưa tới. Cơn gió khô hanh, da mặt tôi đông cứng lại.

Tiếng bước chân tôi đạp lên đất, sỏi đá nhảy ra tứ tung, lách cách.

Có tiếng bộ giáp là da thịt tôi rơi rụng dưới chân, thình thịch.

Tôi còn trái tim không nhỉ? Chỉ có tôi trên con đường này. Cũng không ai nhìn thấy tôi. Có lẽ tôi gần cái chết hơn rồi phải không?

.

Cuộc đối thoại Sông Bé với Thuận

“Hà Nội, 31 tháng 5 2018

Mỗi ngày đều là một ngày mất mát. Nếu là một người sống trong thực tại, mình sẽ biết được điều đó. Ít nhất là mình đã để mất suy nghĩ của mình. Mình ko thể giữ nó hoàn toàn và đầy đủ. Nhưng mỗi ngày đều là một ngày được. Mỗi cái được đi kèm một cái mất. Bởi vậy khi đối diện với mất mát mình đừng quá sầu não. Đi kèm với nó là một sự được khác mà có lẽ do mình quá tập trung vào cái mất mà không nhìn ra.

Mình đừng quên khuôn mặt của người đàn ông lái đò trên đầm Vân Long khi bác đó nhìn thấy cháu mình trên bờ đê lúc trở về. Cái nét hạnh phúc rạng ngời nó nằm ở ánh mắt lấp lánh ấy, và nụ cười, một nụ cười rất sáng, và lúc đó, tất cả niềm rạng rỡ đó hướng hết về phía thằng cu mặc bồ đồ đá banh màu xanh lá chuối đang đứng trên đê, hô “ông nội ơi”. Mà nó kêu hoài kêu hoài cho tới khi nghe lời đáp của ông nội mới thôi, và nó còn đòi xuống đò của ông nữa. Buổi chiều hôm đó Jane ở lại Tam Cốc mình đi Vân Long một mình và trên đò có mỗi mình là khách. Chiều rồi, vài người nói mình đi hơi trễ, nhưng mà vì chiều mát nên đàn voọc mới “xuống núi” ăn chiều và mình được dịp nhìn thấy tụi nó. Mấy con voọc dễ thương vãi luôn vì nó tự nhiên hoàn toàn hoàn toàn… từ cách ăn cách đu cách nấp cách trốn… như là tụi nó dell có cái băn khoăn gì về việc mình làm như vậy có đúng ko hay có đẹp ko, có ai đang đánh giá mình ko…. huhu. Mình thật sự cảm thấy rung động trước những gì mình trông thấy”

Nỗi lòng chân thành không thể bị đánh cắp cũng không thể bị đánh bóng sự trơn tru có ướm vừa được lúc này nhưng trong cơn mơ không thể dệt thành câu chuyện xuyên thấu lòng người như tâm tư không rõ ngọn nguồn nhưng không thể vay mượn như một con sông chỉ là chính nó – và hình ảnh sao chép chính nó trên bản đồ, không thể là một. vì đâu mà sinh ra suy tư ấy nhà ngươi có nhìn được những dòng nước trong buổi hoàng hôn hay là sự ái mộ ánh hào quang phát ra từ suy tư phát ra thành lời? thật cay đắng quá! cũng không nên như vậy. chỉ nên bỏ đi và xem như chưa từng có sự chia sẻ hay sự tin tưởng. nhưng tại sao lại đớn hèn? không. cũng không thể tranh cãi. ai cũng có trải nghiệm của riêng mình. mỗi người một lựa chọn.

Tháng 2, năm thứ 4

Chào cậu,

Naoko có viết cho cậu không? Tớ cuối cùng cũng nhận được thư của cô ấy. Thư gửi cách đây 2 tuần từ một vùng núi phía Bắc, không ghi rõ địa chỉ gì cả, nhưng Naoko có kèm một tấm bưu thiếp chụp những nóc nhà ở đó. Tất cả đều trắng xoá, đến nỗi tớ mất hồi lâu mới phân biệt được đâu là bầu trời mờ đục như đông sương và đâu là mái ngói đã bị tuyết phủ trắng. Thật là một quang cảnh hiu quạnh. Ở nơi như thế, ánh đèn vàng dịu dàng hắt ra từ một mái nhà ấm áp hẳn sẽ cám dỗ biết bao!

Hôm nay 6 giờ tối mặt trời mới lặn, tan ca làm, tớ ra hòm thư rồi lại cuốc bộ thêm một vòng về phía công viên rồi mới về nhà. Ở văn phòng, tớ vừa nhận lời một cô đồng nghiệp ngày mai sẽ giúp cô ấy chuyển nhà. Thôi cậu đừng tỏ ra ngạc nhiên như thế!

Tớ đang thu xếp công việc để đến mùa thu có thể dự đám cưới của cậu và Yumi.

Hãy giúp tớ báo với Naoko rằng tớ dự định rời căn nhà này vào tháng tới, thư gửi về địa chỉ này sẽ bị từ chối. Và nhờ cậu giữ những bức tranh và sách và đĩa nhạc của Naoko nữa nhé? Nơi ở mới khá chật chội nên tớ chỉ có thể đem theo vật dụng thiết yếu.

Bạn của cậu,
K