1.2- Một giấc mơ

K đang mơ. Anh ta thấy mình đứng trên vỉa hè láng xi măng trước nhà cùng ai đó. Chắc anh ta chuẩn bị khởi hành đến một địa điểm du lịch. Rồi anh ta nhớ ra mình quên một vật quan trọng, và anh ta phải trở lại vào nhà để tìm mà đem vật đó đi cùng. Trời hãy còn sáng, anh ta háo hức vì chuyến đi, nhưng họ không vội. Vì thế, người đó cũng theo anh ta vào trong.

Tầng trệt trống, kiêm nơi đậu xe. Anh ta thuộc cấu trúc và tính nết ngôi nhà này như lòng bàn tay. Phần vì nó đơn giản, không bài trí nội thất cầu kỳ, phần vì anh ta biết nó. “Anh ta biết rõ nó”, là một lời khẳng định chắc nịch giống như “bắn vào não thì người ta sẽ chết” vậy. Đi qua phòng khách để xe thì tới ngay cầu thang dẫn lên tầng 1. Đây là cầu thang bê tông đúc kiểu cũ, bậc thang to nặng nhưng bề rộng lại hẹp; nó dựng vuông góc vào tường nhà, bên phải cầu thang là tường ngăn phòng khách, bên trái là thành bê tông cao chừng 1 mét nhìn ra sân chung kiêm giếng trời. Ánh sáng ban ngày từ giếng trời chiếu xuống làm nơi này sáng sủa hẳn ra. Nhưng khi vừa bước chân lên bậc thang thì linh tính mách bảo anh ta có chuyện chẳng lành. K nhìn xung quanh và thấy mọi thứ đều bình-thường như ngày hôm qua hay hôm kia, và tự hỏi bản thân tại sao lại để quên vật đó; anh ta đã kiểm tra hành lý rất kỹ trước khi xách xuống rồi cơ mà. Người đi cùng là một người ít nói, anh ta chỉ theo K mà không thắc mắc hay tò mò gì. Càng đi K càng thấy nỗi sợ hãi lớn dần như người ta thổi hơi vào bong bóng, và thời gian chính là lớp vỏ cao su bị giãn ra theo từng nhịp thở. Mỗi bậc thang anh ta bước, K vừa quan sát chung quanh vừa kiểm tra đầu óc mình. Tâm trạng đó từ đâu ra? Liệu cảnh tượng khủng khiếp nào có thể diễn ra ở một nơi quen thuộc như thế này? Trời tối đi nhanh chóng. K đã nhìn được tầng hai. Anh ta lục lại trong trí nhớ tầng hai trông như thế nào, và có những ai sinh sống ở đây, còn Tầng hai thực tế trước mắt anh ta đang chìm trong bóng tối. K vẫn tự trấn an bản thân rằng anh ta biết rõ nơi này. Ở đây chưa từng xảy ra điều gì quái lạ, vả lại anh ta còn đi chung với một người bạn. Để đến được phòng mình và đem vật quý báu kia đi, K nhất định phải bước tiếp, phải đi sâu vào trong hành lang tối om kia và mở cửa phòng. Phòng anh ta nằm quay mặt ra con đường, và có cửa sổ rộng mở. Trời còn đang sáng, phòng K sẽ sáng sủa hơn cái cầu thang mờ mịt này.

K lấy hết can đảm tiếp tục bước tới, anh ta lặp đi lặp lại miêu tả về nơi này ở trong đầu và dựa vào đó mà tự thuyết phục chính bản thân mình đừng quay đầu bỏ chạy.

1.1- Thác nước

Trung tâm Trụ sở có một ngọn thác. K. đảm bảo đó là thác thật, không phải ảo giác, và những cảnh quan khác ở đây đều là thật. Ghềnh đá đen sì lởm chởm bên ngoài cửa kính, con suối thượng nguồn, cơn mưa rào và cả thời tiết biến động theo mùa bên trong Trụ sở là kiến tạo vật lý và là hiện tượng có thật mô phỏng từ tự nhiên. “Chỉ trừ con người thôi, nhớ nhé. Nhiệm vụ của cô là chỉ điểm bọn không phải người. Và tìm ra nhân-vật-đó.” Ngọn thác hùng vĩ cao đến nỗi không nhìn thấy được đỉnh, nhưng nếu không có trọng lực Trái Đất thì cũng không hình thành được. Nước đổ tung bọt trắng xoá, và ánh nắng chiếu vào lấp lánh bừng sáng, nhìn từ xa là một sợi chỉ bạc thanh thoát, óng ánh lung linh, còn khi đến gần thì dữ dội mãnh liệt và có vẻ huyền ảo sương khói. Tiếng nước đổ ầm ầm vang dội bốn bề, khi Lou nhắm mắt bước lại gần thì nghe được trong tiếng trầm có tiếng bổng, đó là tiếng nước rơi cuộn vào nhau, nối gót nhau.

Ôm tài liệu về lại phòng, Lou đứng sững phát hiện phòng mình thực sự bừa bãi, đúng y như mẹ từng nói, một “bãi chiến trường”. Tóc rơi khắp nơi trên sàn, chăn ngủ dậy không sửa soạn lại, trên bàn làm việc bút viết các loại nằm ngổn ngang, túi tài liệu từ tuần trước lấy về vẫn để dưới sàn chưa dọn. Bàn nước cũng thế, tất cả ly tách, ấm nước, hộp trà đều bày ra đến nỗi không còn chỗ nào để đặt thêm một ly nước. K. nói Trụ sở muốn cô xem đời sống ở đây là phần nối dài của cuộc sống cũ một cách tự nhiên nên đã bố trí nội thất gần như tương đương căn phòng cũ – một căn phòng không có cửa sổ nhưng cửa ra vào bằng kính lại rộng gấp bốn lần Lou và cao đụng trần. Bàn làm việc kê ở cuối phòng, là chỗ tối và riêng tư nhất, còn cái giường thấp tè và to như cái phản thì đặt ngay giữa phòng, bàn nước sát tường cùng phía với đầu giường, còn lại chung quanh là hai ba cái ghế không cùng loại, sách góc nào cũng có, và mấy chậu cây đứng xếp hàng sau lớp cửa ra vào giống như một hàng bình phong hay là cái “giậu mồng tơi” vậy. “Rồi sau khi chạy nhảy được thì cô đem thêm một bãi rác về cái phòng quái đản này”, K. cứ cằn nhằn mãi, còn Lou tự thấy mình cứ như thế từ nhỏ rồi nhỉ? Bản thân cô không thể nhìn ra chỗ mình ở lộn xộn và ngổn ngang bừa bãi đến mức nào. Bây giờ nghĩ lại, thì Lou chỉ thấy nếu vẫn còn đường để đi thì không phiền gì cả những thứ còn linh tinh lại. Mẹ thì luôn nhắc nhở phàn nàn, mấy chị ở chung với Lou hồi nhỏ cũng vậy, nhưng chỉ có Joseph giải thích bản chất của cô là như vậy, là người không thể khó chịu với sự tung toé đồ đạc trong phòng, vì Lou bận sống trong đầu mình, và còn gợi ý mọi người xung quanh nếu muốn một căn phòng gọn gàng hơn thì nên chú ý nhắc nhở cô ấy dọn dẹp. Lou cảm thấy dễ chịu khi Joseph từ tốn như vậy.

“Có nhiều loại thế giới, thế giới trong quyển “Rare Earth” và thế giới trong quyển “Connectome”, còn có thế giới trong quyển “The Sympathizer” nữa. Thế giới trong trí tưởng tượng của tôi. Không thể tóm gọn sở thích đọc sách thành một câu nói để đời là xong được. Vì sao có thể dễ dàng hiểu được động cơ của một người chỉ bằng một dòng chữ?”

“Nhân đây tôi cũng muốn nhắc nhở cậu, đừng gò ép mình vào khuôn khổ như một cái xác ve sầu.”

“Gò ép cái gì?”

“Thì tất cả mọi thứ liên quan đến cậu.”

“Thế giới. Thế giớ có nghĩa là gì? Cậu có nghĩ tất cả là một sự sao chép?”

“Đang muốn nói gì vậy?”

“Sao chép, lặp lại, phóng to, thu nhỏ.”

“Cậu đang nói cái gì vậy?”

“Không biết nữa. Chỉ có thể nghĩ mà không giải thích được. Trước sinh nhật một tuần, trước khi tôi vào đây đấy, có một tối khuya tôi đã thèm một ngụm nước ngòn ngọt cay cay trong miệng, thế là tôi nghĩ đến việc thay đồ, ra khỏi nhà và bắt xe buýt đến cửa hàng rượu rồi chọn lấy chai tôi thích để về tận hưởng nó. Nhưng tôi nghĩ về việc này 5 lần mỗi ngày, 5 ngày một tuần, và một ngày thì tôi thấy chán không muốn ra đường, ngày thì tóc tôi quá dơ vì chưa đến lịch gội đầu, ngày thì nghĩ đến chuyện tiết kiệm tiền nên thôi, còn ngày thì chán cái mùi nhức đầu trên xe buýt nên đành ở nhà nốt. Đến sinh nhật tôi vẫn chưa mua được rượu cơ mà, cậu tin nổi không?”

Lou ngừng một chút nhìn ra phía bàn làm việc để xác nhận việc Joseph đã từ từ hạ ánh sáng trong phòng để chuẩn bị cho cô đi ngủ.

“Như thế thì không thể gọi là thèm muốn gì cả nhỉ? Tôi thấy “động lực” với tôi không có ý nghĩa gì cả. Mấy tháng mùa đông lúc tuyết còn rơi dày, tôi cũng lên cơn thèm rượu như thế này và đã đội tuyết lúc 5 giờ chiều, đi mua về một chai và cuối cùng chỉ uống một nửa, còn nửa còn lại trút vào nồi hầm sườn bò.”

Có một mùi thuốc lá trộn vanilla âm ấm toả ra khẽ khàng làm Lou đột nhiên vừa yên lòng vừa phấn chấn.

“Hay đơn giản cậu cứ bảo K. giao cho tôi một nhiệm vụ nào đó đi? Tôi cảm thấy chai rượu ngày lội tuyết đó chẳng ngon chút nào. Dung dịch không làm cho vòm họng tôi nặng hơn, lú lẫn hơn, hay tỉnh táo hơn gì cả. Vị ngọt nhàn nhạt, vị cay tàm tạm. Do vị giác của tôi lãnh cảm hay trí tưởng tượng của tôi “nhiều màu sắc” hơn cả? Dù sao thì không ai xẻ trí tưởng tượng ra mà ăn nhỉ? Tôi ước gì…”

“Ước gì?”

“Không có gì, lại một điều ước mâu thuẫn và vô lý mà thôi. Tôi sẽ tiếp tục xem xét nó vô lý chỗ nào.”

“Cậu cứ suy nghĩ mãi sẽ qua giấc mất. Ngủ đi.”

Mưa đập vào cửa lộp độp làm Lou tỉnh giấc. Trụ sở biệt lập nên không có tiếng bánh xe xoèn xoẹt lướt trên mặt đường sũng nước.

“Hôm qua cậu mơ gì đấy?”

“Một cảnh đoàn tụ, nhưng tôi quên rồi nên sẽ chỉ ghi ngắn gọn như thế vào báo cáo.”

“Sau khi thể dục và ăn trưa xong, hôm nay cậu phải đến cuộc họp lúc 2 giờ chiều, bắt buộc tham dự.”

“Không muốn đi chút nào.”

“Trụ Sở có ba Đội trưởng mới, hai trong số đó đã tra cứu cậu từ 7 ngày trước.”

Lou nhập xong báo cáo rồi và vẫn ngồi xếp bằng trên giường, trùm chăn phủ kín vai và chân, giương mắt nhìn thất thần ra màu xám đục ngoài lớp kính cửa. “Sau một cơn mưa tháng Sáu bất chợt, nếu tôi đang lái xe ngoài đường sẽ thấy mặt đường ướt đẫm sáng lấp lánh như mặt biển giữa trưa mùa hè. Nếu là tháng Mười Hai thì tôi sẽ ở trong nhà ngắm mưa xối ào ào trắng đục che hết tầm nhìn như sương ngoài cửa sổ. Còn nếu là một buổi tối vui vẻ bất kể ngày tháng, tôi sẽ ngồi quây quần với anh em ở ngoài hiên nhìn giọt mưa rớt tí tách từ mái nhà xuống vũng nước trước mặt, bắn vào giày và gấu quần tôi, bắn lên cả cái mặt ghế đẩu đang để mấy ly cà phê sữa chỉ còn đá và cái gạt tàn đầy mẩu thuốc ướt nhẹp.” Khi nhớ về những kỷ niệm như vậy, Lou cảm thấy như bị một tấn đá đè lên lồng ngực, còn máu thì xộc lên mạnh đến nỗi có thể cảm nhận được áp lực ở dưới làn môi, tê rần. “Bây giờ cậu nắm giữ nhiều thông tin thực tế về tôi nhất nhỉ? Thói quen, cân nặng, biểu đồ sinh học, sở thích, ký ức?”

“Cậu biết tôi là một bộ não thông minh nhân tạo, trung thực và không có sai sót. Tôi không từ chối cung cấp dữ liệu cho người được Trụ sở uỷ quyền truy cập.”

Tiếng gió, giống tiếng sóng đập ngoài biển, từng cơn, ào ạt, bên dưới có tiếng lào xào, như là miết xuống mặt đất, bên trên có tiếng ầm ầm, xông xáo, có chừng lưu lại dấu vết tan hoang. Lou rũ chăn ra, đứng xuống giường, xỏ chân vào dép rồi dùng ngón tay trỏ để nhấn nút đun nước sôi kêu “cạch”. Sáng nay trà hay cà phê?

“Đi họp buổi chiều nên cậu pha trà đem theo đi.”

Người ta đã nâng cấp Joseph đến mức đọc được suy nghĩ chưa nhỉ? Nếu được thì Trụ sở đã không tìm cách lưu trữ giấc mơ của con người? Nhà khoa học ở đây nghĩ họ là đấng sáng thế à? Có thể hô mưa, gọi gió, chống lại sự xâm nhập của virus, sáng tạo Suối nguồn trong một không gian kín bưng như thế này? Tối hôm qua Joseph vẫn phải theo dõi nhịp tim và thân nhiệt của Lou trong suốt giấc ngủ để đảm bảo an toàn. Sau khi thức dậy, Lou đã báo cáo tiến độ của việc tìm kiếm, nhưng tất cả các ghi chép đó đều là về giấc mơ của cô, và làm thế nào mà Trụ sở lại chỉ đạo Lou tìm một người quan trọng bằng cách nhìn vào giấc mơ của mình?

ghi chú số 5

Có 1 chàng thỏ yêu 1 nàng cáo. Ngày thỏ đến tỏ tình, cáo bảo, ko thể đc, cáo là loài ăn thịt, ở gần nhau, cáo sẽ có ngày muốn nhai xương thỏ! Thỏ bảo ko sao, được người yêu nhai xương là anh chết trong sung sướng rồi!! Thế là cáo chấp thuận trở thành người yêu của thỏ. Hằng ngày, thỏ cùng cáo đi săn, còn cáo cùng thỏ đào cà rốt. Thỏ và cáo cùng nghĩ, 2 đứa điên tụi mình thật đáng ngưỡng mộ!! Nhưng thật ra tụi nó cũng ko cãi được Đác-uyn, à bản năng. Cáo vốn ranh mãnh, nên thỏ nhiều phen khốn đốn. Thỏ vốn hiền lành, nên cáo nhiều phen chán nản.

Một ngày nọ, chúng nó cãi nhau tơi bời vì chuyện gì đó quên mẹ rồi. Mà chung quy là rốt cuộc là chúng nó nhận ra hai chúng nó, một đứa thích cà rốt, một đứa thích thịt rừng. Cáo ở lâu với thỏ, nhiễm tính hiền lành, nên nhường thỏ, thôi thì giảm khẩu phần thịt rừng vậy… Còn thỏ thì sao? Thỏ ở lâu với cáo, nhiễm tính ranh mãnh, lại nhiễm cả thói quen ăn thịt, nên một ngày nọ, thỏ đến gặp cáo, hát cho cáo nghe một bài rồi moi tim cáo ra ăn. Lông cáo đã chuyển từ nâu sang trắng từ lúc nào. Chân thỏ đã dài ra và có móng sắc từ lúc nào.

Mất tim, cáo lang thang trong rừng ngày này qua ngày nọ. Lúc sắp chết vì kiệt sức, cáo gặp một người thợ săn. Ông thợ săn thấy một con cáo chưa bị bắn đã gục ngay dưới chân mình, nên ông đem nó về, băng bó vết thương, truyền máu và nuôi cáo trong nhà trong khi đợi cho tim cáo mọc lại. Cáo vô cùng cảm kích, nên chủ động thân thiện với bầy chó của người thợ săn. Trong số đấy, cô khoái nhất một con chó cái già hay trò chuyện và nhường đồ ăn cho cáo. Một ngày trời đẹp khi rủ cô chó ra ngoài phơi nắng, cáo phát hiện đằng sau cẳng chân cô chó có một túm lông hình ngọn gió – giống i chang vết của cáo… Túm lông màu vàng đồng không đổi màu nổi lên trên nền lông trắng. Thì ra họ là mẹ con.

II

Tôi lại nghĩ đến cái chết của mình.

Không phải vì tôi không muốn sống nữa, mà tôi không muốn sống như thế này nữa. Tôi muốn cuộc đời này chết đi, mãi mãi vô danh, còn tôi sẽ hồi sinh và sống theo cách khác.

Tôi nhớ đến ba mẹ tôi lúc họ còn trẻ, thời họ mới bống bế tôi trên tay, không biết họ đã hình dung như thế nào về cuộc sống hiện giờ. Khoa học phát triển thật nhanh so với một đời người, phải không? À, có cái nhanh, có cái thì chậm, có cái hình như vẫn vậy. Hình như đó mới là luật lệ của cuộc sống, rằng mỗi thứ có thời gian phát triển khác nhau.

Thời điểm chết đi của tôi đã đến. Không phải vì tôi không muốn sống nữa. À ừ, lúc nãy tôi đã bảo rồi đấy. Mà là tôi không muốn sống như thế này nữa. Tôi nhìn thấy một cô gái và những bản vẽ của cô ta, tôi tự hỏi vì sao mình cứ mãi ghen tị với người khác, tại sao mình cứ mãi nghĩ mình không quan trọng? Chỉ có cách tìm đến cái chết của chính mình, tôi mới có thể giải đáp mình quan trọng ở chỗ nào?

Nhức đầu quá, có phải không? Hôm qua tôi đã uống cà phê tầm giờ này.

Không có gì quan trọng cả, đến cả tâm tư còn bị đánh cắp, như là tâm tư từ hư vô. Nghĩa là tôi không tồn tại trong lương tâm kẻ cắp ấy.

Không quan trọng nữa rồi, tôi phải giết chết mình. Bằng cách nào? Cái gì sẽ phải chết trước tiên? Có một dòng thác lấp lánh như tráng bạc. Tôi thấy bóng mình nhỏ bé và xấu xí. Không, tôi thấy hình hài mình nhỏ bé và xấu xí. Định nghĩa xem. Tôi nghĩ mình cao lớn và bề thế hơn. Như một ngọn cỏ mọc ở bờ kè đung đưa dưới mùa hè chói chang. Một ngọn cỏ trong một đám cỏ um tùm che hết lối đi giữa hai căn nhà. Dưới đường. Kêu lạo xạo dưới bước chân người. Dưới cánh tay. Dưới bánh xe đạp. Tôi hình dung tôi với mắt mũi miệng không tả tơi như thế này. Tại sao? Tôi đã tự hứa chỉ suy nghĩ những mây hồng và ngọn gió. Tôi đã hứa đôi mắt mình chỉ nhìn ra ánh sáng dù cho lập loè. Những thứ xấu xa? Những thứ như thế nào là xấu xa? Có lẽ những cơn gió cũng… Cái gì sẽ ra đi trước? Tôi nhớ một cảnh mặt trời lặn trên đường quốc lộ chúng tôi phóng xe máy từ Đà Lạt về. Ký ức cần ra đi trước tiên. Và một cảnh trăng mọc phía trước mặt to và sáng trưng kỳ lạ như trong Final Fantasy. Đằng sau rặng mây óng ánh. Có nên không? Nên giữ lại làm bài học! Ừ, một buổi chiều mắc mưa. Từng giọt thấm qua lớp thảm dày trên đầu. Những tấm khiên chắc chắn. Bảo vệ khỏi cái gì? Không còn hiện tại thì có nên bên nhau? Không thể! Nặng nề thêm, thôi hãy bỏ xuống. Cũng đúng… Mà khoan, ký ức? Bộ giáp này, nó dính vào da thịt mất rồi. Không được, dù thế nào cũng phải gỡ ra thôi! Nhưng đau đớn lắm. Sẽ lành lại thôi, sau khi chết đi, nhớ không, chết đi rồi, sẽ tái sinh với da thịt mới. Phải cắt đứt từng miếng ư? Những con đường, những khuôn mặt, nước mưa, sấm chớp, mây mù, khói thuốc, bánh xe, hơi thở, trái táo, bài hát, bàn tay, màn đêm, ly nước, gia đình, buổi sáng? Đúng vậy, phải đào tận gốc, đến tận nơi đau đớn nhất, phải đào và xới lên từng sợi rễ còn bám lại. Không… Bước chân lên một bước đi nào, và ngẩng lên nhìn mặt trăng đi, rồi thấy con đường chứ? Có, sáng lờ mờ, hai bên tối đen, không nhìn rõ là nhà hay là ụ đất… nhưng con đường thì sáng. Đúng vậy. Tôi muốn vào một ngôi nhà đang thắp sáng đèn kia, tôi cảm thấy cô đơn dưới ánh trăng lạnh lẽo. Đợi một chút. Vẫn đang cắt bỏ bộ giáp cơ mà? Ừ nhỉ, tôi không còn thấy đau đớn nhiều nữa. Tôi đã đến gần cái chết chưa? Tôi sợ hãi.

Im lặng nào.

Tôi nghe thấy tiếng gì đó mạnh mẽ

và vội vã

. Hãy đi tiếp đi, và lắng nghe thêm.

Tôi nghe tiếng gió lùa vào thân cây, lọc cọc. Mùa xuân chưa tới. Cơn gió khô hanh, da mặt tôi đông cứng lại.

Tiếng bước chân tôi đạp lên đất, sỏi đá nhảy ra tứ tung, lách cách.

Có tiếng bộ giáp là da thịt tôi rơi rụng dưới chân, thình thịch.

Tôi còn trái tim không nhỉ? Chỉ có tôi trên con đường này. Cũng không ai nhìn thấy tôi. Có lẽ tôi gần cái chết hơn rồi phải không?

.

ghi chú số 4

Đêm, tôi thấy màu xám,

màu của giấc mơ.

Cảm giác những đường nét đã từng hiện diện,

hình hài thì mất hút.

Cách duy nhất để tìm lại,

đó là đừng suy nghĩ về màu xám,

mà lần theo sợi dây hình hài để lại,

rồi nhắm mắt.

Có lẽ câu chuyện sẽ trở về,

hoặc không.

Vì có một câu chuyện mới

xuất hiện.